Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Ông vua của các phiên dịch

Sukhodrev, phiên dịch của các lãnh tụ Xô viết cho rằng, khó khăn nhất vẫn là phải dịch những câu chuyện vui mà các chính trị gia kể cho nhau. Sẽ là một thảm họa thực sự nếu sau khi dịch, đối tượng được kể vẫn không hề nhếch mép cười. 

Nếu lần giở lại nhiều bức ảnh lịch sử, trong những cuộc gặp gỡ giữa Eisenhower và Khrutsev, Carter và Brejnev, Reagan và Gorbachev; người ta thường nhìn thấy một người đàn ông vô danh tóc sẫm, có thân hình mảnh khảnh đứng ở giữa. Nét mặt anh ta luôn thể hiện sự kính cẩn và tập trung cao độ như một kỳ thủ đang thi đấu, đầu thường xuyên nghiêng về phía tai các nguyên thủ nổi tiếng đang đứng cạnh mình. Đó là Victor Sukhodrev với biệt danh là "ông vua của các phiên dịch".
cong ty dich thuat
Phiên dịch: Sukhodrev
Trong những năm Chiến tranh lạnh, Sukhodrev - với tư cách một phiên dịch viên kín đáo, tin cậy và chuyên nghiệp - đã từng là “cái tai nghe dịch tiếng Anh” của mọi nguyên thủ Xô viết, từ Khrutsev cho tới Gorbachev. Ông cũng là người trực tiếp truyền đạt lời nói của các nguyên thủ này cho 7 tổng thống Mỹ, từ Eisenhower cho tới Bush-cha, và là một trong số rất hiếm hoi người Liên Xô được gặp gỡ các nguyên thủ Mỹ.

“Sẽ có cảm giác mang tính thần bí nào đó, nếu như bạn đứng giữa những người không thể giao tiếp với nhau một cách trực tiếp” - Sukhodrev đã nói như vậy trong một bài trả lời phỏng vấn ngay tại căn hộ của mình ở ngoại ô Moskva, nơi ông đang nghỉ hưu cùng với bà vợ Inga. Trên tường ngôi nhà của Sukhodrev treo đầy những tấm hình, trong đó chủ nhà đang trực tiếp trò chuyện với John Kennedy, Jimmy Carter, George Bush, Margaret Thatcher, Indira Gandhi... Ngoài giới chính trị gia, ông còn có dịp làm quen với nghệ sĩ Frank Sinatra và tay đấm huyền thoại Mohammed Ali.

Sukhodrev học tiếng Anh từ những năm 40 tại London. Năm lên 8 tuổi, Victor vào học tại ngôi trường của Đại sứ quán Xô viết tại London, và nhanh chóng được nhờ phiên dịch giúp các quan chức của trường trong những cuộc tiếp xúc tại địa phương. Ông kể lại: “Chính vào thời điểm đó, tôi đã có được niềm tin thực sự. Tôi đã tin chắc rằng, mình sẽ trở thành một “người trung gian”. Nếu đúng như vậy, tôi còn cảm thấy mình sẽ là một phiên dịch viên rất tốt, thậm chí tốt nhất”. Sukhodrev trở về Moskva vào năm 12 tuổi. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, ông đã hiện thực hóa được giấc mơ của mình ở mức độ cao nhất tại điện Kremli. Sukhodrev coi người thầy đầu tiên của mình là Oleg Aleksandrovich Troyanovski, một nhà ngoại giao kiệt xuất của Liên Xô trước đây, đồng thời là phiên dịch viên cho Stalin và Molotov.

Chính Troyanovski là người đã phát hiện ra Sukhodrev ngay từ khi còn đang ngồi trên giảng đường đại học và đào tạo bồi dưỡng cho ông trở thành người thay thế mình. Sukhodrev được điều tới Ban Phiên dịch của Bộ Ngoại giao ngay sau khi tốt nghiệp và chỉ một thời gian ngắn sau đã trở thành phiên dịch của Khrutsev. Năm 1959, Sukhodrev đã có chuyến xuất ngoại lần đầu tiên (sang Mỹ) cùng với Khrutsev.

Với nghề nghiệp đặc biệt của mình, Sukhodrev có nhiều cơ hội gần gũi với các nguyên thủ quốc gia của cả Liên Xô và Mỹ, biết được nhiều chuyện về đời sống thường ngày của họ. Ngay như chuyện hút thuốc của họ cũng có nhiều chi tiết khá thú vị.

Ví dụ như để giảm bớt mức độ hút thuốc của Tổng Bí thư Brejnev, người ta đã phải chế cho ông một hộp thuốc có gắn đồng hồ, chỉ mở ra mỗi giờ một lần. Khi mới sử dụng chiếc hộp này, Brejnev nhiều lúc thèm hút lại phải xin thuốc của những người tới làm việc với ông.

Còn đối với Tổng thống Kennedy, Đại sứ quán Xôviết đã trực tiếp gửi tới Nhà Trắng một bưu kiện ngoại giao, bên trong chứa đầy những hộp xì gà Cuba. John Kennedy, mặc dù đã đích thân ký lệnh cấm vận xì gà Cuba nhập vào Mỹ, nhưng ông lại là người rất nghiện loại thuốc này.

Liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, Sukhodrev cho rằng, khó khăn nhất vẫn là phải dịch những câu chuyện vui mà các chính trị gia kể cho nhau. Sẽ là một thảm họa thực sự nếu sau khi dịch, đối tượng được kể vẫn không hề nhếch mép cười. Trong những buổi tiệc chiêu đãi, phiên dịch viên vẫn được tham dự nhưng chẳng có bữa nào được no bụng. Ông phải ngồi bên cạnh các nguyên thủ, dịch những câu chuyện họ trao đổi trong bữa ăn. Sukhodrev chỉ có một mẹo là tranh thủ ăn những miếng rất nhỏ để có thể kịp nuốt ngay mỗi khi phải dịch luôn những câu trao đổi trên bàn tiệc.

Sukhodrev đã phục vụ qua tất cả các đời Tổng Bí thư từ Khrutsev cho tới Brejnev, Andropov, Chernenko và Gorbachev. Vào năm 1989, ông còn được Bộ trưởng Ngoại giao Shervarnadze khi đó cử sang Mỹ làm trợ lý đặc biệt cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Ông về hưu vài năm sau đó với cương vị đặc phái viên toàn quyền cấp 1.